Hơn 10 năm ròng rã tìm thầy chữa trị, ông Lưu Ngọc Thuận và bà Lưu Thị Phi (trú tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vẫn không một lần được hưởng niềm vui được làm cha mẹ. Nhưng chính trong thời điểm tuyệt vọng nhất, ông bà lại được vỡ òa hạnh phúc khi đón đứa con đầu lòng xinh xắn, khỏe mạnh. Điều đặc biệt, khi được hỏi về bí quyết chữa trị căn bệnh vô sinh quái ác, ông bà tiết lộ: “Đó là nhờ chúng tôi thường xuyên ăn giá đỗ và trứng luộc…”.
10 năm đau khổ vì không thể sinh con
Nhiều năm trôi qua, trường hợp hy hữu của vợ chồng ông Thuận – bà Phi vẫn được người địa phương nhắc tới như một điều kỳ diệu. Những ngày còn trẻ, suốt hơn chục năm ròng rã, hai ông bà vất vả ngược xuôi nhằm tìm ra phương thuốc chữa căn bệnh vô sinh nhưng không thành. Rồi bỗng một ngày, bà Phi phát hiện ra mình có thai, sau đó sinh hạ cậu con trai bụ bẫm, kháu khỉnh.
Ông Thuận chia sẻ: “Sau gần 10 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, tôi trở về địa phương khi đã bước sang tuổi 28. Ngày xuất ngũ, chị gái tôi đã làm mai cho tôi với Phi, cũng là bà xã tôi bây giờ. Hồi ấy, bà nhà tôi cũng xinh xắn lắm nhưng mải theo nghiệp “trồng người” nên chưa chịu lấy chồng. Mới gặp nhau lần đầu, chúng tôi đã trúng “tiếng sét ái tình”. Không lâu sau, một đám cưới gọn nhẹ diễn ra trong sự hân hoan chào đón của gia đình và bạn bè hai bên”.
Tuần trăng mật hạnh phúc của hai người nhanh chóng trôi qua. Nhưng gần 3 năm trôi qua, bà Phi vẫn không thấy mang thai. Nghi ngờ một trong hai người có vấn đề, chị gái ông Thuận đã khuyên hai vợ chồng nên đi khám bác sĩ. Nghe hợp lý, vợ chồng ông Thuận dắt díu nhau lên bệnh viện C. Qua xét nghiệm, bác sĩ kết luận: Ông Thuận bị đau dạ dày cộng với việc cơ thể nhiễm độc từ ngày tham gia kháng chiến dẫn đến rối loạn chức năng sinh sản. Ông Thuận nhớ lại: “Nhận được kết quả từ bác sĩ, tôi thất vọng vô cùng. Còn nước còn tát, tôi với vợ lặn lội khắp nơi, từ Hà Bắc, Lạng Sơn, đến Lai Châu, Hòa Bình; thậm chí có thời điểm ăn chực, nằm chờ vài tháng ở Bình Lục, Hà Nam, để tìm thầy chữa bệnh vô sinh mà chẳng ăn thua. Người nói ra, kẻ nói vào, nhiều lúc tưởng chừng như chúng tôi không thể chịu đựng được sự gièm pha cay nghiệt”.
Hơn 10 năm ròng rã, kiên trì chữa trị khắp nơi không có kết quả, có lúc bà Phi đã nghĩ đến chuyện kiếm vợ hai cho chồng. Khi biết được ý định của vợ, ông Thuận nhất định không chịu. Những người chị gái khi biết bệnh tình là do em trai mình, cũng không muốn ông Thuận bỏ gia đình đang yên ấm. Họ nghĩ, dù có lấy vợ nữa thì ông Thuận cũng không thể sinh con. Được sự động viên của gia đình, hai người đi đến quyết định từ bỏ giấc mơ làm cha mẹ. Họ tự nhủ: “Có lẽ sẽ chẳng phép màu nào biến giấc mơ của mình thành sự thật”. Nghĩ vậy nhưng trong lòng ông bà chẳng có lấy một phút thanh thản. Sau mỗi giờ lên lớp hay lúc đi lại trên đường nhìn thấy đám trẻ nô đùa, ông bà lại ứa nước mắt đau buồn. Vì mong cuộc sống bớt cô quạnh, ông Thuận đành bàn với vợ xin nhận con nuôi.
Nhắc lại chuyện cũ, bà Phi kể: “Tôi nhớ năm 1984, có một người phụ nữ sinh con rồi bỏ lại bệnh viện. Nghe tin, vợ chồng tôi đã đến và làm thủ tục nhận cháu về nuôi. Chúng tôi đặt tên cháu là Lưu Ngọc Thắng. Buồn thay, mới về nhà được 3 ngày, cháu lên cơn sốt co giật rồi qua đời không lâu sau đó”. Sau chuyện đó, ông bà phải hứng chịu biết bao điều tiếng thị phi, rằng “không biết gia đình kiếp trước ăn ở ra sao, kiếp này mới bị rơi vào tình trạng “tuyệt tự” như thế”. “Nghe mọi người nói vậy, tôi buồn đến nỗi nằm ủ rũ một tuần chẳng buồn ăn uống. Dù chỉ mới nhận nuôi cháu được mấy ngày nhưng chúng tôi coi nó như con ruột. Đến giờ, mỗi lần nhìn thấy tờ giấy khai sinh của cháu Thắng, tôi lại ứa nước mắt. Nếu như ngày đó y học phát triển như bây giờ, cháu chắc sẽ không bỏ chúng tôi đâu”, bà Phi buồn buồn kể lại.
Sinh được con nhờ ăn trứng và giá đỗ?
Hơn 10 năm sống trong nỗi buồn khắc khoải cũng là từng ấy thời gian, vợ chồng ông Thuận bà Phi phải chịu đựng những lời thị phi của xóm làng. Điều đặc biệt là trong nỗi buồn, tình cảm vợ chồng ông lại trở nên thắm thiết hơn. Mỗi lúc tủi buồn, ông Thuận lại trở thành chỗ dựa giúp bà Phi vượt qua những mặc cảm, khó khăn. Sau những lần cố gắng động viên nhau, hai vợ chồng ông bà lại gom góp tiền bạc, đi khắp nơi tìm thầy chữa bệnh vô sinh.
“Sau khi hạ quyết tâm, vợ chồng tôi lặn lội khắp nơi, hễ ai chỉ có thầy, có thuốc là tìm đến. Giờ này nhớ lại, tôi cũng không nhớ mình đã đi chữa trị bao nhiêu lần, ở những đâu và uống những loại thuốc gì. Mãi cho đến ngày gặp được một thầy lang ở huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam), vợ chồng tôi được ông hướng dẫn ăn giá đỗ và trứng luộc để điều hòa nội tiết. Điều đặc biệt là sau ba tháng kiên trì ăn giá đỗ, trứng luộc hai bữa/ngày, tôi bất ngờ có dấu hiệu ốm nghén. Quá đỗi vui mừng, tôi cùng chồng đi khám thì được bác sĩ khẳng định đã mang thai. Lúc đó, tôi không thể diễn tả hết niềm sung sướng của mình. Đứa con ấy là “lộc” trời ban, là kết quả của bao nhiêu nỗ lực trong hơn 10 năm trời”, bà Phi rưng rưng nhớ lại.
Tiếp lời vợ, ông Thuận tâm sự: “Mấy hôm liền bà ấy kêu thèm chua lại hay nôn khan, tôi đã thấy nghi nghi. Lúc hai vợ chồng lên bệnh viện huyện, bác sĩ cho biết vợ tôi quả thật đã mang thai”. Chưa dám tin vào tai mình, ngay buổi chiều hôm đó, hai ông bà lại dắt díu nhau lên tận Bệnh viện C để khám lại. Đến đây, bác sĩ khám và kết luận ông Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc điều tiết sự rối loạn sinh sản. Cụ thể, chất lượng tinh dịch của ông Thuận đã tăng lên gần với mức của người bình thường. Vui mừng hơn, cái thai trong bụng của bà Phi đã được 4 tuần tuổi và phát triển bình thường. Đón nhận thông tin chắc chắn, vợ chồng ông Thuận và những người thân gia đình đã vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc. Trải qua 9 tháng 10 ngày, bà Phi đã sinh được một cậu con trai xinh xắn, khỏe mạnh.
Sinh con ở tuổi ngoại tứ tuần, đặc biệt sau hơn 10 năm sống trong cảnh vô sinh, ông bà tiếp tục phải đối mặt với những dị nghị: “Nhiều người cho rằng, thằng Đức (con trai lớn) là do tôi tự “đi kiếm” chứ không phải con ông Thuận. Dù giải thích như thế nào đi nữa, mọi người vẫn không tin. Cho đến khi chúng tôi sinh thêm cháu Hạnh (SN 1988) và cháu Hòa (SN 1990), mọi người mới thực tâm đến chúc mừng hai vợ chồng. Lúc đó, bà con đều bảo: Chuyện chúng tôi vô sinh rồi lại có con giống như một “phép màu” giữa đời thường. Nguyên nhân thì chẳng biết có phải nhờ ăn giá đỗ và trứng luộc hay không. Nhưng trong thâm tâm, vợ chồng tôi luôn biết ơn vị lang y năm ấy”, bà Phi nở nụ cười đầy hạnh phúc.
Qua câu chuyện của vợ chồng ông Thuận, câu hỏi đặt ra là liệu giá đỗ và trứng luộc có tác động như thế nào đến căn bệnh rối loạn chức năng sinh sản của người chồng? Liệu, hai loại thực phẩm thông dụng này có phải là niềm hy vọng mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn? PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã gặp gỡ các chuyên gia y tế đầu ngành để làm rõ nghi vấn này. Toàn bộ thông tin sẽ được chúng tôi gửi tới bạn đọc trong những số báo tiếp theo.